Thường xưa nay chúng ta vẫn hay nghe nói một câu có vẻ rất “kinh điển” là nếu có người cho bạn cá và chiếc cần câu, thì nên chọn cái nào và từ chối cái nào?
Hầu hết chúng ta được giáo dục lòng tự trọng, không muốn “ăn xin” mãi người khác nên đa số đồng tình nên chọn cái cần câu để kiếm cá!
Thật ra điều này không sai, bởi nếu chúng ta có phương tiện làm ăn mưu sinh trong tay thì không lo gì đói!
Ông bà chúng ta có câu nói chí lý là “giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo” mãi mãi được!
Thế nhưng thực tế không đơn giản như vậy…
Câu chuyện tôi đọc được tóm tắt như sau cho chúng ta có những cái nhìn khác.
“Có một chú bé đứng nhìn một ông lão câu cá bên hồ… Ông lão quả là có tay “sát ngư” nên lần nào tung cần câu ra là cũng thu lại được những chú cá to lớn…
Nhìn chú bé đáng yêu đứng nhìn có vẻ “ngưỡng mộ” về việc ông lão câu được rất nhiều cá, ông lão vui vẻ nói:
– Nếu cháu thích thì cháu có thể lấy hết số cá ta câu được… Ta sẽ tiếp tục câu và sẽ có cá nữa. Cháu đừng ngại!
Không ngờ đứa bé, có vẻ đã học được đâu đó về lòng tự trọng nên đã từ chối số cá ông lão có nhã ý biếu tặng…
Ông lão ngạc nhiên: “Tại sao cháu không lấy số cá ta cho?”
– Thưa ông! Đứa bé lễ phép nói: Cha mẹ cháu dạy không nên xin ai cái gì! Bản thân nên tự lực bằng công sức của mình chứ không nên hưởng từ sự ban ơn của người khác! Nếu được thì cháu chỉ muốn xin cái cần câu của ông thôi…
– Cháu xin cần câu để làm gì?
– Số cá ông cho nếu ăn thì cũng hết, nhưng với cái cần câu ông cho thì cháu sẽ có có ăn thường xuyên!
– Ồ! Nếu thế thì ta tặng cho cháu cái cần câu này đây… Và cháu hãy thử câu cá với cái cần câu này cho ta xem thử nào!
Chú bé mừng lắm và cầm cần câu từ tay ông lão trao cho…
Chú bé cũng lấy mồi móc vào lưỡi câu rồi ném xuống mặt hồ, chờ đợi cá cắn câu… Thế nhưng thời gian cứ trôi qua nhưng chẳng có con cá nào dính câu của chú bé…
Quá lâu không thành công trong việc câu cá, chú bé trao trả lại chiếc cần câu cho ông lão…
Ông lão tiếp tục câu và tiếp tục được con cá lớn khác…”
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách không hề nhỏ!
Và lời từ chối nhận số cá mà ông lão muốn biếu tặng của chú bé quả thực không khôn ngoan và thức thời!
Vì chút “sĩ diện hão” theo lý thuyết, chú muốn tự mình kiếm được những con cá to lớn bằng chiếc cần câu xin được của ông lão…Và muốn thường xuyên có cá từ chiếc cần câu này!
Tuy nhiên chú bé quên mất một điều cơ bản là bản thân chú chưa có một kỹ năng thuần thục, kinh nghiêm câu cá như ông lão từng trải qua…
Cũng với phương tiện cần câu đó, với mồi đó… với ông lão thì việc câu cá quá thành công dễ dàng nhưng khi qua tay chú bé “mù tịt” về kỹ năng câu cá thì chú đành ôm nỗi thất bại não nề!
Từ đó chúng ta thấy thực tế có nhiều người khi có phương tiện thuận lợi trong tay nhưng không đủ trình độ sử dụng phương tiện này để mưu sinh thì sớm muộn cũng nhận sự thất bại!
Chúng ta không lạ gì có những người “may mắn” trúng số “độc đắc” nhưng không biết sử dụng đồng tiền “trên trời rơi” xuống đó, mặc sức ăn chơi một thời gian rồi chung cuộc “tý lại hoàn tý”!
Tất cả những kỹ năng sống, những kinh nghiệm nghề nghiệp đều có cái giá của nó chứ không hoàn toàn do “thiên phú” hoặc may mắn đem lại…
Cái giá rẻ nhất là sự khiêm tốn học hỏi và … thời gian! Không thể có chuyện một bước nhảy vọt đến thiên đường …
Nguồn: Sưu tầm