Trong lĩnh vực công nghệ, có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với Steve Jobs (1955 – 2011), vị CEO quá cố của Apple. Người đàn ông này là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho rất nhiều bạn trẻ đang ấp ủ những kế hoạch khởi nghiệp của riêng mình. Tầm ảnh hưởng của Steve Jobs là quá rõ ràng, vì nếu không có sự kiên trì, táo bạo và tầm nhìn vượt thời đại của ông, có lẽ Apple đã không trở thành thương hiệu trị giá hàng nghìn tỷ đô la như hiện tại.
Dưới đây là 7 bài học thành công tuyệt vời từ Steve Jobs được đúc kết từ những câu nói của vị CEO này trong nhiều năm.
1. Sản phẩm là nền tảng
“Nếu chỉ chú trọng vào lợi nhuận, bạn sẽ bỏ qua sản phẩm. Nhưng nếu bạn tập trung tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, lợi nhuận sẽ theo sau.” – Steve Jobs.
Bài học đầu tiên trong kinh doanh mà một start-up nên học từ Steve Jobs đó là cách làm sản phẩm. Dĩ nhiên đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công của một doanh nghiệp, nhưng chắc chắn nó là yếu tố quan trọng nhất.
Lúc sinh thời, Steve Jobs luôn tập trung vào sản phẩm và sẽ làm bất cứ điều gì chúng đạt đến độ hoàn thiện cao nhất. Điều đó thể hiện thông qua chất lượng các sản phẩm của Apple. Cầm trên tay một chiếc iPhone, iPad hay MacBook, chúng ta có thể thấy chúng được hoàn thiện tỉ mỉ và chắc chắn như thế nào. Tất nhiên không có gì là hoàn hảo 100%, nhưng triết lý sản phẩm của Steve Jobs đã được đội ngũ của ông áp dụng rất tốt trong thiết kế.
Nhiệm vụ của một start-up cũng như vậy. Hãy tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm và không ngừng cải thiện nó. Giống như Apple, một sản phẩm tốt sẽ tự quảng bá cho chính nó. Ngược lại, nếu sản phẩm tệ thì dù bạn có đổ bao nhiêu tiền cho marketing cũng chưa chắc mang lại hiệu quả kinh doanh, thậm chí nó còn khiến công ty sụp đổ một cách nhanh chóng.
2. Hãy trở nên khác biệt
“Những kẻ nhìn mọi thứ khác đi – họ không thích các quy tắc. Bạn có thể chỉ trích, thậm chí phỉ báng họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là phớt lờ họ, vì họ là người thay đổi mọi thứ.” – Steve Jobs.
Một trong những triết lý mà Apple luôn theo đuổi đó là trở nên khác biệt so với phần còn lại của thế giới công nghệ. Và đã nhiều lần người dùng chứng kiến Apple hiện thực hóa những kế hoạch mà họ đề ra như thế nào.
Khi tạo ra máy Mac, Apple quyết tâm làm những điều mà các thương hiệu khác chưa từng làm, bằng việc sản xuất ra chiếc máy tính có bàn phím rời.
Trong ngày ra mắt chiếc MacBook đầu tiên, Steve Jobs đã đựng nó trong một chiếc phong bì, khiến tất cả mọi người trong khán phòng phải trầm trồ về độ mỏng nhẹ của nó.
Khi giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, Steve Jobs đã nói rằng ông đang cầm trên tay thiết bị có duy nhất một nút bấm vật lý trên màn hình, có thể thay thế đồng hồ, máy nhắn tin, máy nghe nhạc và điện thoại bàn.
Apple đã chứng minh rằng việc trở nên khác biệt là điều quan trọng để một doanh nghiệp được người dùng chú ý. Điều này được thể hiện nguyên văn trong chính câu slogan của hãng, đó là “Think different”.
“Những kẻ nhìn mọi thứ khác đi – họ không thích các quy tắc. Bạn có thể chỉ trích, thậm chí phỉ báng họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là phớt lờ họ, vì họ là người thay đổi mọi thứ.” – Steve Jobs.
3. Bạn phải kiên trì
“Tôi tin rằng yếu tố phân biệt những doanh nhân thành công với những người không thành công là sự kiên trì, chỉ vậy thôi” – Steve Jobs.
Một trong những phẩm chất mà người khởi nghiệp nào cũng cần có là tính nhẫn nại và kiên trì. Không phải ai cũng làm được điều đó (nếu không có lẽ mọi người đều đã có công ty của riêng mình). Steve Jobs đã trải qua nhiều thời điểm vô cùng khó khăn trước khi Apple trở nên lớn mạnh như ngày hôm nay, bao gồm việc ông bị buộc phải rời bỏ chính công ty do mình tạo ra trong một khoảng thời gian.
Có rất nhiều người bỏ cuộc ngay trước khi chạm được vạch đích và đáng buồn là họ không hề biết điều đó. Chính vì vậy, mỗi khi có ý định buông xuôi tất cả mọi cố gắng, hãy tự nhủ với bản thân rằng chỉ cần cố gắng thêm một ngày nữa thôi. Đó chính là cách giúp bạn chống lại cám dỗ của hai từ “bỏ cuộc”.
4. Chất lượng nằm ở cả bên trong lẫn bên ngoài
“Nếu là một người thợ mộc giỏi, bạn sẽ không dùng ván ép cho mặt sau của chiếc tủ ngăn kéo đẹp đẽ, mặc dù nó quay mặt vào tường và không ai nhìn thấy. Thay vào đó, bạn sẽ dùng một miếng gỗ thật đẹp, vì bạn biết nó vẫn là một phần của cái tủ.” – Steve Jobs.
Là một con người cầu toàn, Steve Jobs luôn bám sát quá trình tạo ra các sản phẩm của Apple. Không giống như nhiều công ty quá tập trung vào một tiết cụ thể nhưng lại bỏ qua những chi tiết khác, nhà Táo cố gắng hoàn thiện tất cả mọi thứ liên quan đến sản phẩm của mình. Nếu muốn kinh doanh thành công, quá trình kiểm soát chất lượng của sản phẩm cần phải được thực hiện toàn diện cả bên trong lẫn bên ngoài.
5. Không ngừng đổi mới
“Những sự đổi mới thường đến từ việc mọi người gặp nhau ở hành lang, gọi cho nhau lúc 10:30 đêm để nói về một ý tưởng mới hoặc họ nhận ra điều gì đó đang làm hỏng cách suy nghĩ về một vấn đề.” – Steve Jobs.
Apple luôn đi đầu trong sự đổi mới. Bản thân Steve Jobs cũng luôn cố gắng xem xét các cải tiến nhằm mang lại lợi thế cho thương hiệu này. Thực tế cũng cho thấy họ luôn là những người tạo ra xu hướng trong giới công nghệ. Doanh số của nhà Táo cũng nói lên tất cả về sự thành công mà những xu hướng ấy mang lại.
Đổi mới là chìa khóa để phát triển, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh. Nếu không làm được điều này, đối thủ của bạn sẽ nhanh chóng bắt kịp và đè bẹp bạn.
6. Tin tưởng vào bản thân
“Bạn không thể kết nối các dấu chấm khi nhìn về phía trước mà chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn ngược lại. Vì vậy, bạn phải tin tưởng rằng bằng một cách nào đó, chúng sẽ kết nối với nhau trong tương lai. Bạn phải tin tưởng vào điều gì đó – linh tính, số phận, cuộc đời của bạn, bất cứ điều gì. Cách suy nghĩ này chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Nó đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của tôi” – Steve Jobs.
Steve Jobs từng phát biểu tại lễ khai giảng tại Đại học Stanford rằng bạn không thể kết nối các dấu chấm khi nhìn về phía trước. Điều đó nghĩa là bạn cần có niềm tin vào chính bản thân mình, và có niềm tin rằng các dấu chấm sẽ kết nối với nhau trong tương lai.
Giống như người ta vẫn thường nói rằng nếu bạn muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp sức để giúp bạn. Niềm tin, chứ không phải thứ gì khác, chính là bước đầu tiên của hành trình hiện thực hóa ước mơ. Bên cạnh đó, sự tin tưởng và lạc quan chính là động lực giúp bạn làm việc chăm chỉ hơn.
7. Yêu những gì bạn làm
“Nếu như không yêu thích việc mình đang làm, bạn sẽ không thể nỗ lực đủ nhiều để vượt qua mọi giới hạn và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân” – Steve Jobs.
Tương tự như câu nói “Do what you love, love what you do”, để mọi việc bạn làm mang lại kết quả tốt đẹp, bạn phải dành cho nó sự yêu thích và đam mê. Steve Jobs không phải là người duy nhất dạy chúng ta rằng bạn cần yêu những gì mình làm, nhưng ông chính là một ví dụ điển hình nhất cho phát biểu này. Trong khi đó, có rất nhiều người dồn tâm sức làm những điều mà họ không thích, để rồi nhanh chóng bỏ cuộc khi mọi thứ trở nên khó khăn.